Vẻ đẹp hùng vĩ của Mũi Nghê |
Mũi Nghê Sơn Trà có hình con sư tử biển nằm thưỡn dài trên biển. |
Đến tận bây giờ, kể cả người dân địa phương cũng không ai biết tên gọi Mũi Nghê có từ đâu và con nghê là con gì. Chỉ biết rằng, qua thời gian, Mũi Nghê bây giờ là mỏm đá giống hình con sư tử biển, đầu quay vào vách núi, mình hướng ra biển.
Theo lời kể của các lão ngư ở làng chài ven vịnh Thọ Quang, ngày trước vua Gia Long khi vào Đà Nẵng đã phân định ranh giới từ Con Nghê Sơn Trà giao về cho nhân dân xã Nam Thọ (nay là Thọ An 1, phường Thọ Quang). Cho đến bây giờ, Mũi Nghê trên bản đồ được đánh dấu là Mũi Đà Nẵng, là nơi đón ánh nắng đầu tiên trong ngày của thành phố.
Bình minh trên Mũi Nghê. |
Theo kinh nghiệm của ngư dân, vùng biển Mũi Nghê với diện tích chừng 4,5ha, là nơi nước sâu, tôm cá nhiều vô kể, nhất là những loài cá mú, cá hồng. Tuy nhiên, đây cũng là vùng biển nguy hiểm nhất của biển Đà Nẵng. Trong ký ức của người dân địa phương, ông bà trước đây đi đánh mành (đánh bắt cá-PV) bằng ghe thuyền nhỏ, qua khu vực này đều phải lựa con nước mà đi, nếu không sẽ bị sóng đánh chìm. Bà con ngư dân khi qua đây đều cầu khấn, có gạo rải gạo, có muối rải muối để cầu xin con nước. Khu vực này nước chảy ra, gió đưa vào, gọi là giáp nước nên khi đi qua, ghe thuyền nhỏ chèo không lọt qua nên rất nguy hiểm.
Nhiều người ở làng chài ven vịnh Thọ Quang còn nói, đi qua Mũi Nghê là đi qua sinh tử, thuyền bè nhỏ thì không nên đi. "Hồi xưa khi tụi tôi còn nhỏ, ông bà đi đánh bắt về hay kể những chuyện oai linh nơi Mũi Nghê nên từ sâu trong ký ức tụi tôi, khu vực đó là khu vực linh thiêng, nhiều chuyện kỳ bí mà đến giờ vẫn chưa lý giải được. Chỉ biết rằng, bây giờ, mỗi khi đi đánh bắt qua đây, gặp oai linh (giáp nước) nổi lên, nếu có gạo, muối trên thuyền chúng tôi đều rải xuống hết. Nói Mũi Nghê là nơi oai linh, linh thiêng là vì thế", ông Trần Lự, một lão ngư ở Thọ An 1 kể.
Tuy là vùng biển nguy hiểm nhưng Mũi Nghê có vựa tôm cá đầy ắp nên là điểm đánh bắt không thể bỏ qua của ngư dân. Ngư dân đánh bắt trên vùng biển Đà Nẵng thường đi theo lộ trình từ vịnh Thọ Quang, ven bán đảo Sơn Trà đi qua Mũi Nghê. Mỗi khi tàu bè đến Mũi Nghê thì sóng thường nổi to hơn. Chỉ những ngư dân giàu kinh nghiệm mới dám đánh bắt ở khu vực này. "Mũi Nghê tuy nguy hiểm nhưng khi nước êm thì cá rất nhiều. Do vậy, bà con làng chài vẫn cứ lựa con nước mà ra đó đánh bắt", một lão ngư nói.
Câu cá cùng ngư dân tại Mũi Nghê. |
Hiện nay, với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của mình, Mũi Nghê đã được các nhà thiết kế tour du lịch vòng quanh bán đảo Sơn Trà chọn để triển khai dịch vụ lặn biển và là một trong những điểm đến hấp dẫn nằm trong tour du lịch vòng quanh bán đảo Sơn Trà.
Tour du lịch này xuất phát từ vịnh Thọ Quang, vòng qua Mũi Nghê, qua cảng Tiên Sa rồi về lại cửa sông Hàn và ngược lại. Tại Mũi Nghê, dịch vụ lặn biển được khai thác vì rất có tiềm năng do vùng biển này có hơn 42 loài san hô quý hiếm. Bên cạnh đó, dựa vào lợi thế nhiều tôm cá của Mũi Nghê, những đơn vị thiết kế tour du lịch đã đưa vào thêm dịch vụ câu cá cùng ngư dân.
Các loại thuyền được sử dụng cho dịch vụ này rất an toàn và chỉ phục vụ dịch vụ câu cá nên có cả mái che, ghế băng dài, phao, kính lặn, đèn câu đêm, bếp ga, gạo, đồ gia vị... "Mũi Nghê là một điểm đến rất đặc biệt đã được Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khai thác.
Tại đây, các dịch vụ "lặn biển ngắm san hô", "câu cá cùng ngư dân" đã được triển khai rất hiệu quả và nhận được phản hồi tích cực từ khách du lịch. Kể cả người dân địa phương cũng rất nhiều người chưa biết đến Mũi Nghê - nơi đầu tiên đón bình minh của Đà Nẵng này", ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết. Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ ưa mạo hiểm, khám phá đã chọn Mũi Nghê làm điểm đến và không quên mang theo máy ảnh để lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên.
0 comments:
Post a Comment