728x90 AdSpace

Latest News

Saturday, May 16, 2015

Dừng chân tại Rạn Nam Ô Đà Nẵng

Dọc theo con đường biển tuyệt đẹp của Đà Nẵng, bãi tắm Nam Ô có độ dốc vừa phải, men theo chân núi, phong cảnh sơn thủy rất hữu tình. Bãi tắm Nam Ô thuộc địa phận phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 17km về phía tây bắc.




Theo người địa phương, tên gọi Nam Ô có nghĩa là ở phía Nam của châu Ô xưa. Bãi biển Nam Ô có từ đầu thập niên 60, với mục đích ban đầu là thỏa mãn nhu cầu của dân địa phương. Bãi cát trắng phau cùng bãi tắm xanh rờn hòa với làn gió mát mẻ trong lành ở đây tạo một cảm giác thoải mái thú vị cho du khách.
Rạn Nam Ô rộng chừng 2ha, chia thành 2 cụm là rạn Cả và rạn Con. Rạn Cả chạy theo hướng tây tây bắc – đông đông nam, dài chừng 300m, rộng độ 50m, đá ngầm phân bố dày đặc, đá chồng lên đá, lô nhô có chỗ sâu 6 -7m, có hòn cao cách mặt nước chừng non sải tay. Rạn Con nhỏ hơn, nằm song song và bằng nửa rạn Cả. Giữa 2 rạn có một lạch con (dân địa phương gọi là “lòng thong”) rộng chừng 20m.

Vì rạn mọc nhiều rong tảo, nên là nơi sinh sản và trú ngụ của nhiều loại cá theo mùa – từ loại cá dò, cá cơm, cá ve để làm mắm đến các loại cá lớn như cá nhồng, cá nhám, cá thu cũng thường tập trung ở đây, lại có cả những loài cá bản địa từ rạn sinh ra và sống ở rạn.
Chính bởi lượng hải sản ở đây dồi dào mà Nam Ô còn nức tiếng bởi món gỏi cá trứ danh. Gỏi cá ở đây được làm từ nhiều lại cá khác nhau như cá lạc, cá cơm, cá trích,...Và nơi đây cũng gây dựng nên danh tiếng trong ngoài với hương vị nước mắm Nam Ô mà không nơi nào có thể thay thế được.

Rạn Nam Ô cũng có sự tích cho mình. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có vợ chồng ông bà thợ trời được Ngọc Hoàng Thượng Đế sai đào biển đắp non. Chồng tên Ba Viên, vợ tên Bà Nà. Hai người cần cù gánh đá từ biển phía đông về núi phía tây, ngày qua ngày, núi càng cao, càng lớn.
Một hôm, bà đã gánh đến chân núi mà chưa thấy bóng dáng ông đâu, bèn để đôi sọt đầy đất đá chống đòn gánh đứng chờ. Bỗng nghe từ biển vang lên tiếng ầm ầm như động đất, bà bỏ quang gánh vội chạy về phía biển xem sao. Đến nơi thấy ông cầm chiếc đòn gánh gãy, miệng mếu như khóc, bà hỏi vì sao? Ông bảo: Thấy núi bà đắp đã cao mà núi tôi còn thấp, tôi bèn tăng lượng đá lên gấp đôi nên đòn gánh gãy...
Chuyện đắp non bất thành, hai vợ chồng bị Thượng Đế triệu hồi về thiên đình. Hai đầu gánh đá đổ giữa đường, một đầu thành làng Nam Ô với núi đá Xuân Dương và núi gành Nam Ô, đầu kia thành rạn Cả và rạn Con.
Các cụ khi kể đến đây, không quên đưa tay chỉ về hướng tây dẫn giải: Núi Ba Viên thấp hơn núi Bà Nà. Còn 2 hòn gọi là núi Đụn trên Hòa Ninh nhìn từ biển như hai thúng đất rất cân đối là đôi quang gánh mà người vợ là Bà Nà còn để lại chưa kịp đắp thêm cho núi mang tên mình cao hơn...
Sự tích trên là cách lý giải của người xưa về sự xuất hiện những bãi đá, bãi rạn thấp được “rải” khắp vùng này.

Từ bãi biển nam Ô, du khách có thể du lịch một vòng nhỏ lên bán đảo Sơn Trà hoặc về thành phố Đà Nẵng, không thì ngược dòng về sông Cu Đê huyện Hòa Vang tham quan những thắng cảnh và tìm hiểu con người huyện Hòa Vang.
Hay du khách có thể dùng thuyền ngược về hướng Tây theo dòng sông Cu Đê, thực hiện một tour du lịch sinh thái, thăm một làng dân tộc Kà-Tu ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.
Hiện nay, quận Liên Chiểu đã có dự án tôn tạo cảnh quan và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường tại bãi tắm Nam Ô, đồng thời đã xây dựng một con đường dài 800 mét từ cầu Nam Ô đi ra bãi tắm để du khách thuận tiện hơn trong chuyến dã ngoại của mình.
Dừng chân tại Rạn Nam Ô Đà Nẵng
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 comments:

Post a Comment

Top