Cứ mỗi buổi sáng sớm hoặc buổi chiều muộn, người ta thường bắt gặp một ông già ngoài 70 tuổi, râu tóc bạc phơ cần mẫn đi dọc bãi biển Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để nhặt rác.
Cứ mỗi buổi sáng sớm hoặc buổi chiều muộn, người ta thường bắt gặp một ông già ngoài 70 tuổi, râu tóc bạc phơ cần mẫn đi dọc bãi biển Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để nhặt rác. Đám thanh niên trong làng ban đầu coi ông là gàn dở, còn tí sức không nghỉ ngơi mà đi lo chuyện của thiên hạ. Người "gàn dở" ấy chính là ông Trần Xuân Mạo trú tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Đối với ông Mạo, thu gom rác thải để bãi biển luôn sạch đẹp là việc nên làm. |
Ông Mạo vốn quê ở Hà Tĩnh, từng là bộ đội tham gia chiến đấu và phục vụ tại các chiến trường Lào, Campuchia. Hết chiến tranh, ông được phục viên. Năm 2009, căn bệnh tai biến lại tái phát khiến thể lực ông giảm sút trầm trọng, thấy ông ngày càng yếu đi, con cái của ông đã đưa hai ông bà vào TP Đà Nẵng sống để tiện bề chăm sóc.
Vào Đà Nẵng một thời gian, sức khỏe của ông dần được hồi phục. Là người nhà nông nhưng bây giờ phải ngồi không, trong khi mỗi buổi chiều ông ra biển đi dạo và hít thở không khí trong lành thấy rác bẩn vứt bừa bãi trên bãi biển Nam Ô nhưng không có ai thu dọn. “Thấy mình nên làm điều gì đó vừa tốt cho sức khỏe, vừa làm đẹp cảnh quan môi trường nên tôi nhặt rác cho đỡ buồn tay chân”, ông Mạo tâm sự. Một ngày, hai ngày… cứ thế suốt 5 năm nay, công việc nhặt rác của ông đã trở thành một thói quen không thể bỏ được. Mỗi ngày 2 lần, sáng từ 8h đến 9h, chiều từ 17h đến 18h, ông đi dọc bãi biển Nam Ô từ chân núi Hải Vân đến cầu Nam Ô dài hơn 3 km (mỗi ngày đi lại 2 vòng là 12km) âm thầm làm sạch bãi biển.
Không chỉ nhặt, ông tập kết lại một chỗ và tiến hành phân loại. Loại rác cháy được, ông đem phơi khô để tối cùng ngày đưa ra đốt. Loại rác không cháy được thì ông đào hố chôn lấp. "Khổ nhất là một số người có thói quen xấu ném những con vật nuôi đã chết ra biển. Khi xác bị phân hủy, gió biển đưa mùi vào vừa ô nhiễm môi trường nước, vừa hôi thối xong vào khu dân cư. Những lúc như thế tôi phải đi dọc bãi biển tìm cho bằng được xác con vật đó để chôn lấp” – ông Mạo cho biết.
“Ban đầu, thấy tôi ngày hai buổi đi dọc bãi biển nhặt rác, nhóm thanh niên trong xóm bảo tôi là gàn dỡ, tâm thần. Nhưng nay, chính các thanh niên và học sinh lại cùng ông tham gia thu gom rác, làm sạch bãi biển. Đời sống người dân TP Đà Nẵng đã hiện đại lên rất nhiều, nhưng ý thức của một số người và du khách đối với việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường chưa tốt lắm. “Tôi thấy bãi biển bẩn thì tôi đi nhặt rác cho biển sạch trở lại, đó là việc nên làm và chẳng có gì đáng to tát hay cần xã hội phải ghi công ơn của mình. Tôi chỉ mong rằng, người dân thấy những việc làm đó của tôi để họ suy nghĩ lại những hành động không “đẹp” của mình; để cùng chung tay bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp”, ông Mạo tâm sự.
Là hàng xóm với ông Mạo, bà Hoàng Thị Lý, trú tại phường Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Do thiếu hiểu biết, dân ở đây cứ có rác thải gì cũng đưa ra biển vứt. Trước đây rác nhiều lắm, nước biển đen nên không ai dám xuống tắm cả. Từ khi ông Mạo đi gom rác, bãi biển đã sạch sẽ hẳn. Thấy ông làm việc có ích như thế người dân họ cũng đã sửa đổi thói quen xấu của mình; những cháu học sinh, sinh viên thấy được việc làm của ông Mạo cũng đã vận động bố mẹ giữ gìn môi trường chung và cùng ông tham gia hạn thu gom, tái chế rác thải trên bãi biển, tuyên truyền để du khách ý thức hơn với môi trường chung. Từ chỗ coi ông là gàn dở thì nay ai cũng hiểu và thêm quý trọng ông ấy".
Ghi nhận những đóng góp hết sức ý nghĩa cho cộng đồng của người cựu chiến binh già, Đảng bộ, UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã trao tặng ông nhiều bằng khen trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư. Nhưng phần thưởng quý giá hơn với ông chính là từ những việc làm của mình, ông đã tạo được một sức lan tỏa lớn trong cộng đồng và đặc biệt là đối với đội ngũ thanh niên nơi ông sinh sống đã có ý thức hơn khi cùng lập ra những nhóm, đội tình nguyện thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống, làm đẹp thành phố. “Có lẽ tôi cũng sắp “thất nghiệp” rồi, vì có các cháu thanh thiếu niên tham gia thay tôi gánh vác việc này. Hy vọng với ý thức chung của cả cộng đồng, biển Đà Nẵng xứng đáng là nơi nghỉ ngơi thư giãn cho tất cả mọi người, là điểm đến cho bất cứ ai yêu mến thành phố này trong đó có tôi…”, ông Mạo xúc động nói.
0 comments:
Post a Comment